U nang bì buồng trứng (U quái buồng trứng): nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

U nang bì buồng trứng (tên gọi đúng là u bì buồng trứng) là một loại u thường gặp nhất khi nhắc đến các loại khối u ở buồng trứng. Nó còn được biết đến với tên gọi “U quái buồng trứng” hoặc “Khảm bì buồng trứng”. Độ tuổi thường gặp đối với bệnh này là từ 10 đến 30 tuổi, tuy nhiên vẫn có thể bắt gặp ở những độ tuổi cao hơn.1

Ở hầu hết các trường hợp, đây là một loại u lành tính với cấu trúc bên trong chứa nhiều thành phần khác nhau như mỡ, tóc, da, nang tuyến bã, tuyến mồ hôi, xương… Do đó, khối lượng của u nang bì buồng trứng tương đối nặng. Ngoài ra, do tính chất “có thể di động” trong khoang bụng, u nang bì buồng trứng dễ dẫn đến u buồng trứng xoắn – một biến chứng nguy hiểm.2

Kích thước khối u cũng rất đa dạng nhưng 80% đều dưới 10 cm và thường nằm ở 1 bên buồng trứng, có khoảng 12% trường hợp bị u ở cả 2 bên buồng trứng.2

U bì không thể tự thoái lui (hết bệnh) mà cần phải có sự can thiệp bằng phẫu thuật vào thời điểm hợp lí nhằm tránh biến chứng u buồng trứng xoắn có thể gây hại cho chị em phụ nữ.

Buồng trứng bình thường được cấu tạo bởi các nhóm tế bào khác nhau bao gồm: thượng mô, tế bào mầm, mô đệm sinh dục và trung mô. Các tế bào này được cơ thể lập trình để phát triển theo một chiều hướng nhất định. Khi sự phát triển của tế bào trong các nhóm trên không còn tuân theo quy luật sẽ gây nên bất thường. U nang bì buồng trứng là kết quả của sự phát triển bất thường tế bào mầm, làm cho loại tế bào này phát triển theo chiều hướng không được lập trình sẵn của cơ thể và hình thành khối u.1

Do quá trình phát triển bất thường có thể xảy ra không cùng lúc, nên ở cùng 1 buồng trứng có thể có một nhóm tế bào đã phát triển đủ lớn để hình thành khối u và còn một nhóm các tế bào khác cũng đang phát triển bất thường nhưng chưa đủ hình thành khối u để nhìn thấy rõ. Do đó, trên thực tế có một số trường hợp đã phẫu thuật bóc u nang bì buồng trứng, nhưng sau đó bệnh nhân bị tái phát.

Khối u bì thường có bề mặt trơn láng, trong lòng khối u được lót bởi mô thượng bì và các cấu trúc phụ của nó nên u được gọi với tên là u bì. Trong đó, thường gặp nhất là các cấu trúc như da, nang tóc, nang tuyến mồ hôi, tuyến bã, một số trường hợp còn có cả cấu trúc xương và răng…1 2

Hình ảnh có chứa nội dung nhạy cảm, bạn đọc cân nhắc trước khi xem

Xem

Phần lớn các trường hợp u bì là một loại u lành tính, đặt biệt là khi thành phần trong khối u có nhiều loại mô khác nhau hay còn gọi là “U quái trưởng thành”. Vì bản chất lành tính nên khối u thường không di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể hay ảnh hưởng đến tuổi thọ. Tuy nhiên vẫn tồn tại nguy cơ ác tính nhưng với tỉ lệ rất thấp, vào khoảng 1-2%, thường thấy ở những u quái đơn mô nhiều hơn so với u quái đa mô.2

Mặc dù khả năng lành tính cao, tuy nhiên vẫn có một số trường hợp cần phải xử lí ngay, đặc biệt là u bì trong trạng thái “U buồng trứng xoắn” nhằm cứu vãn buồng trứng. Bình thường buồng trứng được cung cấp máu nuôi từ các mạch máu buồng trứng. Khi cấu trúc này bị xoắn sẽ gây ra gián đoạn sự cung cấp máu cho buồng trứng. Nếu không tháo gỡ được nút xoắn này kịp thời, buồng trứng sẽ bị mất máu nuôi, lâu dần làm hoại tử mô buồng trứng (gây chết mô, tím đen) dẫn đến không thể cứu vãn mà phải cắt bỏ buồng trứng.

Hình ảnh có chứa nội dung nhạy cảm, bạn đọc cân nhắc trước khi xem

Xem

Trong nhiều trường hợp, khối u bì không có triệu chứng làm cho bệnh nhân không phát hiện ra. Người bệnh chỉ biết mình có u nang bì buồng trứng một cách tình cờ khi được siêu âm bụng hoặc siêu âm phụ khoa qua các lần khám sức khỏe.1

Một số triệu chứng có thể gặp khi có u bì buồng trứng như:

1. Đau bụng2

Đau thường gặp ở vùng bụng dưới giữa rốn và xương vệ, đau có thể nhiều hơn về một bên phải hoặc bên trái tùy vào vị trí khối u. Mức độ đau thay đổi theo ngưỡng chịu đau của người bệnh cũng như kích thước và có biến chứng xoắn hay không của khối u bì buồng trứng.

Trường hợp xoắn u bì có thể khởi phát đau bụng đột ngột với cường độ rất dữ dội khiến người bệnh phải nhập viện ngay. Cảm giác đau này có thể tăng lên (đau chói) khi sờ vào đúng vị trí xoắn. Đi kèm với đau thường gặp buồn nôn hoặc nôn.2

Trong trường hợp khác khi u nang bì bị vỡ làm giải phóng các thành phần trong khối u vào khoang ổ bụng dẫn đến tình trạng viêm phúc mạc. Khi đó, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau khắp bụng, không dám cử động hoặc có kèm theo sốt.3

2. Cảm giác khó chịu ở vùng bụng

Một số trường hợp khác, người bệnh không có cảm giác đau rõ ràng mà chỉ cảm thấy nặng, tức hoặc trằn nhẹ ở vùng bụng dưới.1

3. Bụng to

Khi khối u buồng trứng quá to sẽ làm cho vùng bụng dưới nhô cao. Đã có một số trường hợp người bệnh lầm tưởng rằng mình tăng cân khi thấy vùng bụng dưới to lên mà không biết rằng là do khối u buồng trứng gây ra.

Một số bệnh nhân có thành bụng mỏng, có thể sờ thấy khối căng ở vùng bụng dưới.

4. Các triệu chứng chèn ép1

Khi khối u phát triển quá to sẽ chèn ép các cơ quan khác trong ổ bụng có thể gây ra một số triệu chứng. Tuy nhiên các tình huống này thường ít xảy ra. Ví dụ: U chèn ép vào bàng quang gây tiểu lắt nhắt nhiều lần, chèn ép vào đại tràng gây táo bón…

5. Triệu chứng u nang bì buồng trứng ở phụ nữ mang thai

Triệu chứng của u nang bì buồng trứng ở phụ nữ mang thai không khác người bình thường, tuy nhiên có thể khó nhận ra hơn đặc biệt là trong giai đoạn chuyển dạ. Triệu chứng thường khó phân biệt được với biểu hiện đau của cơn gò tử cung.

Ở những trường hợp thai kì còn nhỏ, nếu sản phụ có u bì buồng trứng quá to gây chèn ép có thể dẫn đến sẩy thai/sinh non. Ngoài ra, giai đoạn hậu sản khi sản phụ sinh xong, kích thước khoang ổ bụng còn khá rộng (lí do là vì tử cung co nhỏ lại nhanh trong khi ổ bụng bị dãn trước đó do mang thai không kịp phục hồi về kích thước bình thường) tạo điều kiện cho khối u bì di chuyển tự do, dễ dẫn đến biến chứng xoắn.4

U nang bì buồng trứng là một bệnh lý không thể tự thoái triển. Vì thế nên chúng ta nên tuân thủ theo cách điều trị của bác sĩ mà không nên tự ý điều trị tại nhà hoặc áp dụng các phương pháp dân gian để tự điều trị.

Nhất là đối với những trường hợp u đã gây ra triệu chứng. Ngoài ra, có một số trường hợp u buồng trứng ác tính không phải là u bì, cần được chẩn đoán và chữa trị sớm. Vì thế để đảm bảo an toàn, chúng ta nên tuân theo chỉ định của nhân viên y tế, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.

Việc nên làm khi ở nhà là nhận biết những triệu chứng mới xuất hiện và tham khảo ý kiến của bác sĩ khi phát hiện có bất thường. Đồng thời tuân theo lịch tái khám cũng như những dặn dò của bác sĩ.

Tất cả các chị em phụ nữ nên đi khám sức khỏe định kỳ hoặc khám phụ khoa để được siêu âm tầm soát các bệnh lý thường gặp ở phụ nữ, trong đó có cả u bì buồng trứng.

Trường hợp đã được chẩn đoán có u bì buồng trứng trước đó. Chúng ta nên tuân theo lịch tái khám mà các bác sĩ đề ra để được theo dõi đúng cách và hạn chế các biến chứng đáng tiếc.

Hoặc khi có triệu chứng của u buồng trứng như đau vùng bụng dưới âm ỉ kéo dài hoặc đau dữ dội, vùng bụng dưới to lên, đau bụng kèm nôn ói… thì nên đi khám.

Ngoài ra, ở một số đối tượng đã được nghiên cứu có nguy cơ dễ mắc u bì buồng trứng như:2

  • Tuổi có kinh muộn kèm kinh nguyệt không đều.
  • Nghiện rượu.
  • Tiền sử mắc u bì buồng trứng.
  • Số lần mang thai ít.
  • Vô sinh.
  • Tập thể dục quá sức trong lứa tuổi vị thành niên.

Vì thế những đối tượng phụ nữ này nên quan tâm đến sức khỏe bản thân, phát hiện sớm những triệu chứng nếu có và nên được khám sức khỏe để siêu âm tầm soát.

Các xét nghiệm cần thực hiện

Siêu âm phụ khoa là một xét nghiệm đầu tay cần thiết trong chẩn đoán các khối u buồng trứng. Thông thường, chỉ cần siêu âm ngả âm đạo là đủ để khảo sát u bì buồng trứng. Tuy nhiên nếu khối u quá lớn có thể sẽ phải kết hợp cả siêu âm bụng và siêu âm ngả âm đạo. Hình ảnh điển hình của u bì trên siêu âm là một khối u có phản âm hỗn hợp, có bóng lưng, có thể có những phản âm dày sáng.5

Các chỉ báo khối u như: AFP, hCG, HE4, CA125, LDH có thể thực hiện để khảo sát thêm nhằm bổ trợ cho chẩn đoán và giúp cho bác sĩ có định hướng về việc có cần phải thực hiện thêm các khảo sát hình ảnh chuyên sâu khác hay không.

Trường hợp nhập viện, bệnh nhân sẽ được xét nghiệm các xét nghiệm thường quy như: Tổng phân tích tế bào máu, đông máu toàn bộ, X Quang… để bổ trợ cho việc phẫu thuật.

Các phương pháp điều trị

U nang bì buồng trứng được xếp loại là một khối u tân sinh lành tính ở buồng trứng. Do đó điều trị là buộc phải can thiệp ngoại khoa , tức phẫu thuật bóc lấy khối u.6

Phẫu thuật bóc u buồng trứng3

Hiện nay có thể phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở bụng để điều trị u bì buồng trứng. Cả 2 kĩ thuật này đều cùng mục đích là loại bỏ khối u bì và giữ lại phần mô buồng trứng bình thường. Việc chọn kĩ thuật mổ nào sẽ tùy vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, kích thước của khối u, có biến chứng hay chưa và sự mong muốn của bệnh nhân.

Đối với phẫu thuật nội soi: bác sĩ sẽ dùng những dụng cụ chuyên biệt đưa vào khoang bụng qua những vết rạch nhỏ để tiến hành bóc khối u bì, do đó sẽ đảm bảo được tính thẩm mĩ do vết mổ nhỏ và ít đau hơn, thời gian nằm viện ngắn hơn. Trường hợp mổ bụng mở cũng có kĩ thuật tương tự nhưng vết rạch da dài hơn và bệnh nhân đau hơn trong thời gian hậu phẫu.

Phẫu thuật cấp cứu3

Đối với trường hợp u buồng trứng xoắn, cách điều trị là phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp. Trong quá trình tiến hành phẫu thuật, trước tiên sẽ  tháo vòng xoắn và chờ đợi để khảo sát buồng trứng có phục hồi về trạng thái bình thường hay không.

Nếu sau khi tháo xoắn, buồng trứng trở nên hồng hào, tưới máu nuôi tốt thì tiếp theo sẽ là phẫu thuật bảo tồn, tức lấy bỏ khối u buồng trứng và chừa lại mô buồng trứng lành. Tỉ lệ buồng trứng phục hồi trở về bình thường sau khi tháo xoắn trong vòng những giờ đầu tiên là rất cao.

Vì thế người bệnh nên ghi nhớ thời điểm khởi phát đau chói và nhập viện thật sớm, đồng thời thông báo thời gian lúc bắt đầu đau cho bác sĩ điều trị. Nhờ đó sẽ được xử trí kịp thời, tránh trường hợp không bảo tồn được buồng trứng.

Trong trường hợp đã tháo xoắn và chờ đợi nhưng buồng trứng vẫn hoại tử tím đen, phẫu thuật lúc này sẽ phải cắt bỏ phần phụ. Điều này đồng nghĩa với việc người bệnh sẽ mất đi một buồng trứng, đây là một cơ quan chịu trách nhiệm quan trọng trong nội tiết tố và sinh lý, sinh sản của người phụ nữ.

Sau phẫu thuật u nang bì buồng trứng, người bệnh vẫn nên tuân theo lịch tái khám hoặc dặn dò của bác sĩ nhằm mục đích:

  • Phát hiện các biến chứng của phẫu thuật như: nhiễm trùng, chảy máu…
  • Siêu âm tầm soát theo lịch khám phụ khoa để phát hiện những trường hợp u tái phát, vì rất có thể vẫn còn những nhóm tế bào đang phát triển bất thường nhưng chưa đủ lớn hình thành khối u có thể nhìn thấy, do đó khi phẫu thuật có thể không kiểm soát hết.

Do bản chất các khối u phát triển từ từ tế bào mầm đột biến nên không thể chủ động phòng ngừa mắc u bì buồng trứng bằng những loại thức ăn hoặc thuốc. Vì thế, điều quan trọng là cần phải phát hiện ra sớm người bệnh có u bì buồng trứng thông qua khám sức khoẻ và lên lịch hẹn tái khám định kì để theo dõi. Theo dõi sự phát triển về kích thước của khối u, các triệu chứng đi kèm,… từ đó lên kế hoạch để chọn thời điểm can thiệp phẫu thuật thích hợp nhất.

Tóm lại, u bì buồng trứng là một loại u lành tính thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản với các đặc điểm:

  • Thành phần thường chứa các cấu trúc: da, nang lông, tóc, tuyến bã, mồ hôi, xương…
  • U thường không gây ra triệu chứng nên chẩn đoán chủ yếu dựa vào siêu âm, một số trường hợp có thể căng tức vùng bụng dưới, đau bụng dưới, có thể đau dữ dội kèm theo buồn nôn và nôn. Khi u to có thể xuất hiện thêm các triệu chứng chèn ép.
  • Người bệnh không nên tự ý điều trị tại nhà mà cần có sự thăm khám và can thiệp theo chỉ định y khoa. Đặc biệt trong trường hợp đau khởi phát đột ngột dữ dội rất có thể là biểu hiện của tình trạng u buồng trứng xoắn, người bệnh nên ghi nhớ thời điểm lúc bắt đầu đau và nhập viện ngay.
  • U bì buồng trứng không thể tự thoái triển, vì thế điều trị là can thiệp phẫu thuật. Trường hợp u có kích thước nhỏ vẫn có thể theo dõi qua mỗi 3-6 tháng, khi u đạt kích thước to sẽ phẫu thuật sau. Có thể phẫu thuật nội soi hoặc mở bụng tùy theo tình trạng của bệnh nhân.